SEC khẳng định stablecoin bảo chứng không thuộc diện chứng khoán

 

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vừa chính thức xác nhận rằng các stablecoin bảo chứng bằng tiền mặt và tài sản thanh khoản cao như USDT và USDC sẽ không bị xếp vào loại chứng khoán. Động thái này đánh dấu bước tiến mới trong cách tiếp cận ngày càng rõ ràng và thực dụng của SEC đối với thị trường tiền mã hóa.

Stablecoin “truyền thống” được minh oan

Trong thông báo được đưa ra gần đây, SEC tuyên bố các stablecoin “được bảo chứng” – tức những tài sản số neo giá 1:1 với đồng USD và được hậu thuẫn bởi rổ tài sản có tính thanh khoản cao, ít rủi ro – không hội đủ điều kiện để bị coi là chứng khoán theo Phép thử Howey.

Cụ thể, cơ quan này lập luận rằng người phát hành stablecoin không dùng tiền nhà đầu tư để sinh lợi cho các hoạt động khác, mà dùng để bảo chứng chính đồng tiền số đó. Đồng thời, người mua cũng không kỳ vọng lợi nhuận từ việc sở hữu stablecoin, mà chỉ dùng nó cho mục đích thanh toán, lưu trữ giá trị hoặc chuyển tiền.

Tether có thể gặp khó khăn

Tuy nhiên, SEC cũng lưu ý rằng để được phân loại là stablecoin bảo chứng, tài sản dự trữ phải hoàn toàn là tiền mặt hoặc tương đương tiền mặt. Đây là điểm mà USDT – stablecoin lớn nhất thị trường do Tether phát hành – có thể chưa đáp ứng, khi báo cáo tài chính gần nhất cho thấy công ty này đang nắm giữ cả vàng và Bitcoin trong quỹ dự trữ.

Trước áp lực pháp lý ngày càng gia tăng, Tether được cho là đang phát triển một phiên bản stablecoin mới, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính tại Mỹ. Dù vậy, CEO Paolo Ardoino tuyên bố không có ý định thay đổi mô hình hoạt động hiện tại của USDT, mà sẽ để hai loại stablecoin song hành.

Thị trường rộng cửa cho tài chính truyền thống

Phán quyết từ SEC được giới phân tích đánh giá là “bật đèn xanh” cho nhiều tổ chức tài chính lớn tham gia sâu hơn vào thị trường stablecoin. Hàng loạt cái tên nổi bật như Fidelity, State Street, Bank of America, Robinhood, Revolut và cả một số bang như Wyoming hay Michigan đã bắt đầu xây dựng các giải pháp stablecoin riêng, tận dụng chính sách mới để mở rộng thị phần.

SEC ngày càng cởi mở với crypto

Đây là bước đi tiếp theo trong chuỗi điều chỉnh chính sách crypto của SEC dưới thời chính quyền Trump. Trong thời gian gần đây, Ủy ban đã tạm đình chỉ hoặc hủy bỏ hàng loạt vụ kiện đối với các công ty blockchain lớn như Coinbase, Ripple, Kraken, Uniswap, MetaMask, OpenSea và Binance. Đồng thời, SEC cũng tuyên bố memecoin và coin Proof-of-Work không phải là chứng khoán, thể hiện lập trường cởi mở hơn với lĩnh vực tài sản số.

Ngoài ra, cơ quan này còn đang tích cực xem xét các hồ sơ đăng ký ETF altcoin và cân nhắc khả năng hợp pháp hóa staking – một yếu tố trước đây vốn bị coi là “nhạy cảm” trong khung pháp lý chứng khoán.

Hai dự luật quan trọng đang được thảo luận

Song song với các động thái của SEC, Quốc hội Mỹ hiện cũng đang xem xét hai dự luật lớn về stablecoin là GENIUS và STABLE. Hai văn kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động phát hành và quản lý stablecoin, mở đường cho sự phát triển bền vững và hợp pháp hóa thị trường stablecoin tại Mỹ.