Mỹ công bố dự luật quản lý stablecoin STABLE 2025

Sau nhiều năm chờ đợi, Quốc hội Mỹ đã chính thức giới thiệu Đạo luật STABLE 2025 với các quy định nghiêm ngặt về việc phát hành và quản lý stablecoin, nhưng cũng đối mặt với nhiều chỉ trích về những hạn chế mà dự luật này mang lại.

Ngày 27/03, Quốc hội Mỹ đã công bố dự thảo Đạo luật STABLE 2025 (Stablecoin Transparency and Accountability for a Better Ledger Economy Act), một nỗ lực nhằm thiết lập khung pháp lý minh bạch và rõ ràng hơn cho các stablecoin. Dự luật này được xây dựng với mục tiêu tăng cường giám sát và đảm bảo tính ổn định cho các loại tài sản kỹ thuật số được bảo chứng bằng tiền pháp định.

Theo nội dung dự luật, chỉ các tổ chức tài chính được Bộ Tài chính Hoa Kỳ cấp phép mới được phép phát hành stablecoin, bao gồm các ngân hàng, liên hiệp tín dụng và các tổ chức phi ngân hàng. Điều kiện kèm theo là tất cả stablecoin phải được bảo chứng 1:1 bằng những tài sản cực kỳ an toàn và thanh khoản cao, như tiền mặt hoặc tín phiếu kho bạc kỳ hạn ngắn dưới 93 ngày.

Đạo luật cũng quy định rõ ràng rằng các tổ chức phát hành không được phép trả lãi cho người dùng stablecoin, mặc dù vẫn cho phép các tổ chức phát hành giữ lại lợi suất từ các tài sản bảo chứng như trái phiếu kho bạc. Quy định này được thiết kế nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý liên quan đến việc stablecoin bị coi là chứng khoán, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước những lời hứa lợi nhuận không thực tế từ các tổ chức phát hành không minh bạch.

Một trong những điểm gây tranh cãi lớn của dự luật là quy định tiếp tục cấm các stablecoin thuật toán không được bảo chứng bởi tài sản thực trong vòng hai năm tới, tương tự như các quy định đã xuất hiện từ bản dự thảo năm 2022, sau sự sụp đổ nổi tiếng của hệ sinh thái LUNA-UST.

Mặc dù điều này nhằm bảo vệ thị trường stablecoin khỏi những rủi ro lớn, nhưng nó cũng gây lo ngại cho các dự án như DAI – một stablecoin phi tập trung hoạt động dựa trên tài sản crypto. Nếu không điều chỉnh mô hình hoạt động của mình, DAI và các stablecoin tương tự có thể sẽ bị xem là không hợp lệ tại Mỹ.

Ngoài ra, dự thảo Đạo luật STABLE 2025 cũng cấm mọi hành vi quảng bá stablecoin là tài sản được bảo hiểm bởi chính phủ liên bang Mỹ, chẳng hạn như việc sử dụng các cụm từ "FDIC-backed" để đảm bảo rằng người dùng không bị nhầm lẫn về mức độ an toàn thực sự của các stablecoin.

Một điểm đáng chú ý khác là khả năng các bang tại Mỹ được quyền đề xuất và áp dụng cơ chế quản lý riêng cho stablecoin, miễn là những quy định đó không mâu thuẫn với các tiêu chuẩn liên bang. Điều này có thể mở ra cơ hội cho các bang có lập trường thân thiện với crypto như Wyoming hay Florida trở thành trung tâm phát hành stablecoin, nếu nhận được sự chứng nhận từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ tìm cách hợp tác với các quốc gia có khung quản lý stablecoin tương đương, nhằm thúc đẩy giao dịch xuyên biên giới và đảm bảo sự tương thích giữa stablecoin USD phát hành ở nước ngoài với hệ thống tài chính trong nước.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với những quy định của dự luật. Một trong những điểm chỉ trích gay gắt nhất là quy định cấm stablecoin trả lãi cho người dùng. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này sẽ hút đi phần giá trị đáng lẽ thuộc về người dùng và chuyển nó vào tay các tổ chức phát hành stablecoin.

CEO của Uniswap, Hayden Adams, mỉa mai trên Twitter rằng: “Vì lợi ích của người dùng, nhưng lại không chia lợi nhuận cho họ? Điều này nghe thật nực cười."

Tương tự, Elijah, một tài khoản nổi tiếng trong cộng đồng crypto, đã chỉ trích quy định này: “Quy định này giúp bảo vệ chính sách tiền tệ, nhưng thực tế lại khiến phần lợi ích đáng ra phải thuộc về người dùng rơi vào tay các tổ chức phát hành.”

Ngay cả đồng sáng lập của Solana, Anatoly Yakovenko, cũng đã thể hiện sự không hài lòng, cho rằng "Lệnh cấm stablecoin trả lãi đúng là 'chán không chịu được'."

Ngoài ra, JPMorgan mới đây cũng đã công bố báo cáo dự báo rằng stablecoin trả lãi sẽ là xu hướng bùng nổ với thị phần dự kiến tăng mạnh từ 6% lên đến 50% toàn thị trường trong vài năm tới. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Mỹ đang chuẩn bị hợp pháp hóa một xu hướng tất yếu hay đang tìm cách bóp nghẹt nó ngay từ trong trứng nước.

Dù vậy, dự luật STABLE 2025 vẫn chỉ đang ở giai đoạn dự thảo và sẽ cần phải được thông qua cả Hạ viện lẫn Thượng viện trước khi được Tổng thống ký thành luật. Quá trình này có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng, cùng với nhiều tranh cãi pháp lý có thể xuất hiện trong thời gian tới.