Hong Kong – Trong một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy ngành tài sản số, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã chính thức thông qua Dự luật Stablecoin, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc phát hành và quản lý các đồng tiền mã hóa gắn với tiền pháp định.
Theo quy định mới, mọi tổ chức phát hành stablecoin tại Hong Kong sẽ phải đăng ký và được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA). Dự luật yêu cầu các đơn vị phát hành tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm:
Dự trữ tài sản thực để đảm bảo tỷ giá ổn định;
Cơ chế quy đổi linh hoạt, cho phép người dùng đổi stablecoin ra tiền pháp định bất kỳ lúc nào;
Tách biệt tài sản người dùng, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư;
Tuân thủ quy định chống rửa tiền (AML) và chống tài trợ khủng bố (CFT).
HKMA cho biết sẽ tiếp tục mở rộng tham vấn và giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính hiệu quả của luật, đồng thời ngăn chặn rủi ro hệ thống có thể phát sinh trong tương lai.
Ông Johnny Ng – thành viên Hội đồng Lập pháp và là người dẫn đầu xây dựng dự luật – nhận định việc cấp phép chỉ là bước khởi đầu. Mục tiêu dài hạn là ứng dụng stablecoin vào thực tiễn, từ thanh toán bán lẻ, thương mại xuyên biên giới, đến giao dịch P2P.
“Web3 chỉ thực sự sống khi chạm vào đời sống hằng ngày,” ông Johnny phát biểu, đồng thời tiết lộ: “Các tổ chức phát hành stablecoin có thể bắt đầu nộp đơn xin cấp phép từ cuối năm nay.”
Trước khi thông qua luật stablecoin, Hong Kong đã triển khai hàng loạt sáng kiến mang tính chiến lược:
Cấp phép cho sàn giao dịch crypto từ năm 2023;
Thử nghiệm sandbox stablecoin từ tháng 03/2024, thu hút các ông lớn như Standard Chartered, Animoca Brands và Hong Kong Telecommunications;
Đề xuất đưa Bitcoin vào dự trữ quốc gia, cũng như nghiên cứu token hóa vàng, niêm yết token dễ dàng hơn, giao dịch OTC, staking và phái sinh.
Tất cả cho thấy Hong Kong đang đặt tham vọng trở thành trung tâm tài sản số toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc tài chính như Singapore, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Không chỉ riêng Hong Kong, khung pháp lý cho stablecoin đang là chủ đề nóng trên toàn cầu. Liên minh châu Âu đã đi trước một bước với khung MiCa – bộ luật crypto toàn diện đầu tiên có hiệu lực từ năm ngoái, yêu cầu cấp phép và quản lý rõ ràng các tổ chức phát hành stablecoin.
Tại Hoa Kỳ, dự luật GENIUS đang được thảo luận trong Quốc hội, trong khi Vương quốc Anh cũng đang trong quá trình lấy ý kiến công chúng về dự thảo luật mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến stablecoin.
Phát biểu tại sự kiện Consensus 2025, ông Ben Reynolds, Giám đốc stablecoin của BitGo, nhấn mạnh:
“Các ngân hàng lớn đã bắt đầu chú ý mạnh mẽ đến lĩnh vực này, chủ yếu vì lo ngại mất thị phần vào tay những đồng đô kỹ thuật số.”
Kết luận
Việc Hong Kong thông qua luật stablecoin không chỉ củng cố vị thế là một trung tâm tài chính cấp tiến, mà còn tạo tiền đề cho các tổ chức tài chính truyền thống và Web3 hội tụ. Khi khung pháp lý rõ ràng hơn, stablecoin hứa hẹn sẽ trở thành cầu nối then chốt giữa tài chính truyền thống và tài chính phi tập trung (DeFi).