Virgil Griffith – một trong những lập trình viên có đóng góp quan trọng cho Ethereum từ những ngày đầu – đã được trả tự do vào sáng nay, sau gần 5 năm thụ án vì chuyến đi gây tranh cãi đến Triều Tiên năm 2019.
Thông tin được chia sẻ bởi @BrantlyMillegan trên nền tảng X, kèm hình ảnh Griffith tươi cười bên cha mẹ ngay trước nhà tù. Anh sẽ tạm sinh hoạt tại ký túc xá dành cho người vừa mãn hạn tù, trước khi chính thức nhận lệnh ân xá với một số giới hạn công việc trong thời gian tới.
Hồi tháng 4/2019, Griffith đã đến thủ đô Bình Nhưỡng để tham dự hội nghị “Blockchains for Peace”. Mặc dù mục đích chuyến đi được mô tả là “truyền bá kiến thức công nghệ blockchain vì hòa bình”, giới chức Mỹ cho rằng anh đã cung cấp thông tin kỹ thuật nhạy cảm, bao gồm hướng dẫn sử dụng blockchain và tiền mã hóa để tránh các lệnh trừng phạt quốc tế – hành vi bị xem là vi phạm lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.
Một trong những bằng chứng gây tranh cãi được phía công tố công bố là bức ảnh Griffith mặc áo giống lãnh đạo Triều Tiên, đứng trước khẩu hiệu “No Sanctions” kèm biểu tượng mặt cười – được cho là mang thông điệp chính trị mỉa mai.
Anh bị bắt vào tháng 11/2019 và bị giam giữ từ thời điểm đó đến nay.
Đến năm 2022, Virgil Griffith bị kết án 63 tháng tù giam cùng khoản tiền phạt 100.000 USD. Tuy nhiên, nhờ thỏa thuận nhận tội trước đó vào năm 2021, mức án sau cùng được giảm xuống còn 56 tháng vào tháng 7/2024 theo phán quyết của Thẩm phán Kevin Castel.
Gia nhập Ethereum Foundation từ năm 2016, Virgil Griffith là người góp phần phát triển Ethereum Name Service (ENS) – một trong những công cụ cốt lõi giúp chuẩn hóa và đơn giản hóa cách người dùng truy cập địa chỉ blockchain.
Ngoài Ethereum, Griffith còn nổi tiếng với thành tích học thuật ấn tượng: tiến sĩ ngành hệ thần kinh tính toán tại Caltech. Anh cũng từng hợp tác với huyền thoại Aaron Swartz phát triển Tor2web – công cụ giúp truy cập các trang web ẩn danh từ trình duyệt phổ thông. Một dự án nổi bật khác của anh là WikiScanner – công cụ giúp người dùng truy tìm danh tính đứng sau các chỉnh sửa ẩn danh trên Wikipedia.
Việc Griffith được ân xá và trả tự do phản ánh chính sách có phần mềm mỏng hơn từ chính quyền Mỹ đối với những cá nhân từng dính líu pháp lý liên quan đến công nghệ blockchain.
Từ đầu năm 2024, chính quyền Trump đã có hàng loạt động thái giảm án, bãi bỏ hoặc đình chỉ các vụ kiện với các nhân vật nổi bật trong ngành như đội ngũ sáng lập BitMEX, Yuga Labs, Coinbase, Uniswap và cả Ross Ulbricht – nhà sáng lập Silk Road.
Cũng xuất hiện tin đồn rằng Sam Bankman-Fried, cựu CEO FTX đang tìm kiếm một lệnh ân xá tương tự, trong bối cảnh ngành công nghiệp crypto đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về lập trường quản lý tại Mỹ.
Sự trở lại của Virgil Griffith có thể là một trong những tín hiệu cho thấy ngành crypto đang được đón nhận trở lại – không chỉ về mặt pháp lý, mà còn bởi những nhân vật từng bị xem là “gai góc” của cộng đồng.